Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Ngày 1.1.2015 sẽ là mốc thời gian Việt Nam bắt đầu cho phép việc mang thai hộ đối với các cặp vợ chồng gặp khó khăn khi sinh con. Tuy về chuyên môn không có trở ngại nào, nhưng trước mắt sẽ chỉ có 1 – 2 bệnh viện nhà nước được làm, rút kinh nghiệm trước khi mở rộng. Có thể nói, hành lang pháp lý này là thành công cho những nỗ lực vận động của các chuyên gia về hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam suốt 10 năm qua.


Cho phép mang thai hộ - hy vọng cuối cùng cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Hy vọng cuối cùng cho nhiều gia đình GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đã gắn bó với Trung tâm (TT) hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản T.Ư 10 năm qua với vai trò GĐ của TT này. Từ khi TT bắt đầu triển khai kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bằng thụ tinh ống nghiệm (TTON), đến nay mỗi năm đã có khoảng 3.000 ca được thực hiện tại đây. Tỉ lệ thành công lên tới 50%, được xếp vào hàng cao nhất châu Á hiện nay. Mỗi năm có khoảng 100 trường hợp mà mang thai hộ là hy vọng duy nhất để cứu vãn hạnh phúc gia đình của những người phụ nữ kém may mắn không thể nuôi dưỡng được bào thai. Tuy thế, TT chưa được thực hiện hỗ trợ cho bất cứ ca mang thai hộ nào, bởi chưa được luật cho phép. Không ai dám thực hiện, vì nhỡ có rủi ro, không ai là người bảo vệ người thực hiện. Và sau đó, em bé được sinh ra có thể bị tranh chấp, gia đình người bệnh có thể gặp rắc rối pháp lý. Rất nhiều cặp đã phải ra nước ngoài, tốn rất nhiều tiền. Cặp thành công, nhưng cũng nhiều ca tay trắng trở về sau khi đã hết cả một gia tài. Thứ trưởng Tiến cũng cho hay thế giới đã có nhiều quốc gia cho phép làm ngay điều này, khi họ thực hiện kỹ thuật TTON. Bởi một cặp vợ chồng lựa chọn làm TTON khi không thể thụ thai tự nhiên, nghĩa là họ cần hỗ trợ kỹ thuật. Họ có thể phải xin trứng, xin noãn hoặc xin phôi thì tại sao không thể xin nhờ một cơ thể người phụ nữ nuôi dưỡng bào thai 9 tháng 10 ngày để sinh ra 1 em bé khỏe mạnh? Theo Thứ trưởng Tiến, về vấn đề pháp lý không phải là trở ngại nếu được làm chặt chẽ. Sẽ khó có chuyện bị biến tướng thương mại hóa. Bởi thứ nhất, người mang thai hộ chỉ có thể mang thai hộ 1 lần. Khi làm thủ tục, họ phải khai báo số chứng minh thư, làm lần thứ 2 sẽ bị loại trừ. Trường hợp thứ 2, họ làm chứng minh thư giả đi chăng nữa, họ sẽ được tư vấn về quá trình mang thai và sinh nở. 99% số trẻ TTON được lựa chọn sinh mổ, vì là con quý, con hiếm nên tránh các nguy cơ tai biến khi sinh. Người mang thai hộ phải là người đã sinh 1 lần bình thường, mà người bình thường cũng không thể sinh mổ quá 2 lần, đến lần thứ 3 thì nguy cơ vỡ tử cung, dính ruột, ảnh hưởng đến các nội tạng rất lớn, dễ nguy đến tính mạng. Cả 2 phía người nhờ mang thai và người mang thai hộ chắc chắn cũng ít người liều cả tính mạng của mình, tính mạng con trẻ như vậy. Còn chuyện tranh chấp quyền làm mẹ giữa người nhờ mang thai và người mang thai hộ, trước khi làm, họ đã phải làm cam kết, chịu trách nhiệm về điều đó và cam kết đó được luật bảo vệ. BV Từ Dũ:Đã sẵn sàng BS Lê Thị Minh Châu - quyền trưởng khoa Hiếm muộn, BV Từ Dũ cho biết: “Nếu BV được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ chuyên môn của BV luôn sẵn sàng và đáp ứng được ngay. Về bản chất, việc mang thai hộ cũng không khác nhiều và được lồng ghép trong chuyên môn của chu trình TTON hay cấy phôi, chỉ khác là đối tượng cấy phôi không phải là người mẹ mà là người mang thai hộ. Tuy nhiên, cần phải có những quy định, hướng dẫn cụ thể để tránh việc lợi dụng, biến tướng và thương mại hóa. Công tác tư vấn cũng cần được chú trọng, nhất là đối với người mang thai hộ vì đó là đối tượng chịu nhiều rủi ro tai biến sản khoa”. Dự thảo nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ, Bộ Y tế đã đề xuất 2 phương án quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ. Phương án 1, dự kiến BV Phụ sản T.Ư, BV Từ Dũ TPHCM, BV T.Ư Huế là nơi thực hiện thí điểm. Nhu cầu mang thai hộ không quá nhiều, lại không phải là các ca bệnh cấp cứu. Do vậy, chỉ cho phép một số cơ sở của nhà nước đại diện khu vực thực hiện để tránh tình trạng mang thai hộ tràn lan, biến tướng. Phương án 2, cho phép thực hiện mang thai hộ tại BV đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện TTON. Những cơ sở thực hiện mang thai hộ phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý và chuyên môn, kỹ thuật. Đ.A Nhiều câu hỏi khi xây dựng luật về mang thai hộ trên thế giơíHạ viện Ấn Độ vừa tranh luận về việc cần thiết có luật về mang thai hộ hay không. Hàng loạt vấn đề liên quan được đặt ra: Những phụ nữ nghèo nhận mang thai hộ bị lừa tiền khi xong việc, bị chấn động tâm lý sau khi trả đứa trẻ về cho bố mẹ các em, nếu đứa trẻ sinh ra bị tàn tật, người mẹ chết trong khi mang thai thì không ai chịu trách nhiệm... Một ủy ban của Hạ viện Ấn Độ đã đề xuất cần xem xét mối quan hệ ruột thịt, tình cảm, quyền lợi của người mẹ mang thai hộ với đứa trẻ; người nước ngoài muốn mang thai hộ cần đăng ký với văn phòng lãnh sự các nước họ để người trung gian không lợi dụng các phụ nữ Ấn; hoặc có thể chính quyền các bang phải thành lập một cơ quan để cho phép thuê người mang thai hộ... Một số nước Châu Âu đã cho phép mang thai hộ như Anh, Hà Lan. Tại Mỹ, chỉ một số bang cho phép mang thai hộ. V.N

0 nhận xét:

Đăng nhận xét