Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ, nhằm thay thế Nghị định số 12/2003/NĐ-CP. Dự kiến, từ 1/1/2015 có thể triển khai kỹ thuật này. Đây là vấn đề đang được nhiều người trông đợi vì tác động đến hạnh phúc của nhiều gia đình.
Điều một số ý kiến lo ngại, đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định: Không lo thương mại hóa việc mang thai hộ. Ông cũng nêu quan điểm đồng ý với việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trước đây, tỷ lệ đồng thuận thấp, do nhiều người chưa hiểu vấn đề, nhưng khi nghe lý giải cách triển khai thì đã tin tưởng. Song, cũng chỉ có 1-2 cơ sở đủ điều kiện được tiến hành kỹ thuật mang thai hộ. Trong dự thảo, Bộ Y tế đề xuất những quy định cụ thể và 2 phương án quy định về cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ. Theo đó, với phương án 1, tùy từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Y tế lựa chọn cơ sở KCB đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để quyết định cho phép. Hiện, có 3 cơ sở đại diện 3 khu vực Bắc – Trung – Nam là được Bộ Y tế dự kiến chọn lựa là: BV Phụ sản TW, BV Phụ sản Từ Dũ TP Hồ Chí Minh, BV Đa khoa Trung ương Huế. Với phương án 2, Bộ Y tế đề xuất cơ sở KCB đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ là cơ sở KCB đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Lý giải cho việc hạn chế mở rộng cơ sở thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết: Nhu cầu đòi hỏi làm kỹ thuật mang thai hộ không nhiều như thụ tinh trong ống nghiệm. Hơn nữa, kỹ thuật này không phải trong tình trạng cấp cứu, nên ai có nhu cầu có thể về một điểm để làm. Hạn chế cơ sở thực hiện sẽ dễ quản lý chặt. Việt Nam giờ mới bắt đầu thực hiện, nhưng nhiều nước đã thực hiện kỹ thuật này từ lâu. Vì thực hiện trên người nên phải rất thận trọng, để còn rút kinh nghiệm. Do vậy, phải giao cho cơ sở có uy tín và chuyên môn. Còn nơi nào không được giao mà vẫn làm là vi phạm luật. Ngay cả việc thụ tinh trong ống nghiệm đã được làm từ 2003, nhưng cũng chỉ đơn vị được phép của Bộ Y tế mới được làm. PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm, khi triển khai vấn đề mang thai hộ sẽ có bản cam kết ký giữa người nhận, người yêu cầu mang thai hộ. Vấn đề này nhiều nước đã làm rồi, vì thế, Việt Nam áp dụng theo các bản cam kết đó, đồng thời lựa chọn những điểm phù hợp để tiếp tục thực hiện, còn không thì bỏ. Nhằm kiểm soát vấn đề thương mại hóa người mang thai hộ vốn là điều nhiều người băn khoăn nhất, Bộ Y tế sẽ có cách kiểm soát chặt chẽ. Thông tin về người mang thai hộ sẽ được lưu trữ trên máy tính và kết nối dữ liệu với các trung tâm khác. Khi người mang thai hộ đã đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký, thì chắc chắn sẽ không được làm nữa. Bên cạnh đó, nếu mang thai hộ thì 99% phải mổ lấy thai để đảm bảo an toàn. Một người không mổ quá 3 lần, vì mổ nhiều sẽ nguy hiểm cho tính mạng. Như vậy, một người chỉ mang thai hộ được 1 lần (họ phải đẻ ít nhất một lần để đảm bảo có đủ điều kiện để sinh nở). Như vậy, về chuyên môn không cho phép mang thai nhiều lần vì ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người mẹ. Bản thân người nhờ mang thai cũng không dám nhờ một người đã sinh mổ quá nhiều lần vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và con. Do Việt Nam đã tiến hành kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, nên kỹ thuật và trang thiết bị mang thai hộ không phải mua mới vì kỹ thuật giống hệt như thụ tinh ống nghiệm, nhưng đứa trẻ sinh ra là của cặp vợ chồng nhờ mang thai và hoàn toàn mang dòng máu của bố mẹ chứ không phải của người mang thai hộ. Có cam kết và được pháp luật bảo vệ, nên các cặp vợ chồng không lo việc người mang thai đòi con |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét