Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

[KH-CN] -Kẻ khước từ Facebook

Evan Spiegel là một chàng trai “giàu có” bởi anh chàng 24 tuổi này “sở hữu” rất nhiều thứ: xuất thân từ gia đình trí thức, sinh ra và lớn lên trong sự đầy đủ, thậm chí dư thừa về vật chất, theo học tại một trong những đại học danh tiếng nhất nước Mỹ và là chủ nhân của một dịch vụ nhắn tin đang là “cơn sốt” của thế hệ tuổi teen.


Và Evan Spiegel còn nổi tiếng hơn thế nữa bởi anh là đối thủ đáng ngại nhất của tỷ phú trẻ Mark Zuckerberg từ Facebook.

Không thèm 3 tỉ USD

Kể từ khi ra đời vào tháng 9.2011, Snapchat mở ra một hướng đi mới trong mạng xã hội. Với logo là một con ma vui vẻ, Snapchat nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới trẻ Mỹ bởi đây là trình duyệt (app) nhắn tin hình ảnh theo kiểu biến mất, tức là sau khi các hình ảnh hay video gọi là snap gửi đi thì người nhận chỉ có 10 giây để xem trước khi snap tự động xóa.

Và Snapchat kéo theo sự xuất hiện của nào là Poke, Clipchat hay Wickr mà trong đó cuộc đối đầu giữa Snapchat và Poke dù kéo dài không bao lâu nhưng được xem là hiện tượng “sóng sau đè sóng trước” thú vị trong làng công nghệ, là câu chuyện kinh doanh đầy mạo hiểm nhưng hấp dẫn.

Dù cách đây hơn 1 năm rưỡi, cái tên Evan Spiegel chẳng nổi tiếng chút nào nhưng vốn là dân công nghệ, Mark Zuckerberg đã “đánh hơi” và nhận thấy nhiều tiềm năng ở nhân vật trẻ hơn mình 6 tuổi này.

Zuck không khỏi lo lắng khi Spiegel tung ra Snapchat. Zuck chủ động liên lạc với Spiegel khi gửi email: “Hãy đến Menlo Park (trụ sở của Facebook - NV) và chúng ta sẽ làm quen với nhau”. Spiegel, chàng trai công nghệ ngổ ngáo nhất sau Zuck, rất phớt tỉnh trả lời: “Rất vui được gặp anh... nếu anh đến chỗ tôi”.

Vậy là Zuck đành nhượng bộ, bay đến quê nhà của Spiegel là Los Angeles, sắp xếp một chỗ kín đáo cho cuộc gặp. Zuck không nói gì nhiều, chỉ giới thiệu với Spiegel và Bobby Murphy, đồng sáng lập Snapchat một app tương tự như Snapchat với tên gọi Poke. Spiegel và Murphy không trả lời, lập tức quay về văn phòng và đặt hàng cuốn sách The Art of War (Nghệ thuật của chiến tranh) của Tôn Tử cho 6 nhân viên mỗi người một cuốn nghiền ngẫm. Spiegel hiểu ý đồ của Zuck: “Nói đơn giản là chúng tôi sẽ nghiền nát anh”.

Trước Giáng sinh năm 2012 vài ngày, khi Poke trình làng thì Zuck lại gửi email cho Spiegel với hy vọng Spiegel sẽ thích app này. Còn Spiegel và Murphy cùng lúc đóng tài khoản Facebook. Poke dễ khiến chủ nhân của nó “say nắng” khi chỉ một ngày sau nó trở thành app số 1 trong iPhone store rồi lại hạ người ta xuống đất cũng rất lẹ khi chỉ trong vòng 3 ngày, Snapchat lấy lại vị trí đầu bảng và đẩy Poke ra khỏi top 30. Và Spiegel cười lớn: “Điều này chẳng khác gì một món quà Giáng sinh”.

Nên chẳng có gì khó hiểu khi Zuck tìm cách tiếp cận Spiegel lần nữa với một đề nghị “hết sức phi lý” nhưng lại là một sự “đầu hàng đầy hào phóng”: mua lại Snapchat với 3 tỉ USD - một mức giá được xem là “không tưởng” đối với một app chỉ mới 2 năm tuổi, không làm ra đồng nào và cũng không có lộ trình làm ra tiền. Và lần này, Zuck lại tiếp tục bẽ mặt khi Spiegel trả lời gọn lỏn: Không.

Theo Forbes, Spiegel và Murphy đang nắm giữ mỗi người khoảng 25% cổ phần công ty vào thời điểm đó, điều này có nghĩa hai người đã bỏ qua cơ hội bỏ túi 750 triệu USD. Một số tiền lớn nhưng với Spiegel và Murphy thì không, vì họ quyết tâm tự mình nâng cấp vị thế trong bảng xếp hạng mạng xã hội với số vốn 50 triệu USD của nhà đầu tư (với mức định giá chỉ 2 tỉ USD). Spiegel lý luận: “Có rất ít người trên thế giới xây dựng mô hình kinh doanh theo cách này. Tôi nghĩ rằng bán lại công ty chỉ vì khoản lời ngắn hạn như vậy thì chẳng có gì thú vị cả”.

Gã trai hot nhất Los Angeles

Spiegel, đồng sáng lập và CEO của Snapchat cùng với Sean Rad, đồng sáng lập và CEO của Tinder (app mai mối) và Michael Heyward, đồng sáng lập và CEO của Whisper (app giao lưu giấu tên) được gọi là 3 hoàng tử công nghệ của Los Angeles. Xứng danh nhất có lẽ là Spiegel. Spiegel có khá nhiều điểm giống Zuck.

Spiegel cũng xuất thân trong gia đình khá danh giá, là con duy nhất của cặp vợ chồng luật sư thành công (mẹ học trường Harvard, cha học trường Yale). Spiegel cũng “trú thân” trong công nghệ khi mới là học sinh cấp hai, đã tự thiết kế chiếc máy tính đầu tiên cho riêng mình khi học lớp 6, chơi với photoshop tại phòng lab vi tính của trường; rồi khi lên cấp 3 thì cuối tuần “nhốt” mình trong phòng lab nghệ thuật của trường.

“Thời đó, bạn thân nhất của tôi là thầy Dan dạy vi tính”, Spiegel kể lại. Và cũng theo “vết xe đổ” của Zuck, Spiegal bỏ học, rời trường đại học Stanford năm 2012 khi chỉ còn 3 năm nữa là tốt nghiệp.

Chỉ cần một số liệt kê gạch đầu dòng cũng đủ thấy “hoàng tử” này hấp dẫn thế nào trong mắt các bạn trẻ. Spiegel sinh ra ở thành phố giàu có Pacific Palisades ở miền nam California trong ngôi nhà trị giá khoảng 2 triệu USD. Gia đình Spiegel có 5 chiếc siêu xe, gồm 3 chiếc Lexus và một chiếc Mustang đời 1966. Và ngay khi Spiegel mới học lái xe thì đã được cha mẹ tặng một chiếc Cadillac Escalade 2006 mới toanh. Đi nghỉ ở những nơi sang trọng ở châu Âu là chuyện bình thường. Còn thỉnh thoảng, Spiegel và cha mình (anh quyết định chọn sống với cha sau khi cha mẹ ly dị cho tới chừng nào cha đuổi ra khỏi nhà) thường bay bằng trực thăng đến Canada để trượt tuyết.

Ở Los Angeles, Spiegel nhìn thấy được ngôi nhà cho sự sáng tạo của mình bởi theo anh, cái cách mà người dân ở đây sử dụng công nghệ là hoàn toàn khác. “Ở Thung lũng Silicon, người ta dùng camera để chụp và lưu trữ hình ảnh, còn ở LA camera là công cụ để kể chuyện, để chia sẻ”, Spiegel tâm sự. Và hơn thế nữa, Spiegel còn tìm thấy được sự tự do, dù tương đối. Sự tách biệt của Công ty Snapchat, Inc. ra khỏi những công ty công nghệ ở Silicon cũng là lựa chọn thích hợp vì ở LA Spiegel không bị quấy rầy bởi cánh nhà báo và các nhà đầu tư “tọc mạch”. Spiegel cho biết nhân viên công ty anh có thể thoải mái bàn chuyện công việc ở quán bar vì chẳng ai quan tâm đến ai. Đây có lẽ là chia sẻ duy nhất của Spiegel về cách quản lý vì các câu hỏi nào là phong cách quản trị, tầm nhìn, chiến lược... của các báo đều nhận được những câu trả lời trật trìa của Spiegel.

Với Spiegel, anh không thích những tuyên ngôn hay những kế hoạch ấn tượng bởi kết quả là trên hết. Từ chối 3 tỉ USD từ ông chủ Facebook và cả Google bởi con số đó chưa thuyết phục được anh. Giờ đây, Snapchat trở lại là tâm điểm của giới đầu tư khi giá trị công ty được định mức ở con số 10 tỉ USD bởi Snapchat và Alibaba (Trung Quốc) được cho là đang thương thảo một phi vụ đầu tư lớn.

Nguyệt Hàn
(theo Forbes, Business Insider, Business Week)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét