Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

(Tin Nóng) Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật tràn ngập tàu cá để thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông và biển Hoa Đông, theo các chuyên gia quốc tế.


Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật tàu cá tràn ngập trên Biển Đông, gây lo ngại cho các nước khu vực

Tạp chí Defense News ngày 17.8 cho biết dường như chiến thuật tràn ngập này khó mà ngăn cản nổi, và chúng đã gây khó khăn cho các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trong vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 hồi tháng 5.2014.

Khi đó, đi kèm giàn khoan của Trung Quốc là đội tàu chiến, tàu giám sát và đội tàu cá vỏ sắt hùng hậu. Một nhóm tàu cá Trung Quốc sau đó đã đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam ngày 27.5.

Tàu cá là những công cụ tuyệt vời để Trung Quốc bao vây khu vực tranh chấp, ngăn cản hải quân hoặc các tàu bảo vệ bờ biển các nước đến khu vực tranh chấp mà không tạo ra hình ảnh tiêu cực như quấy rối bằng tàu chiến, ông Sam Tangredi, tác giả cuốn sách "Chiến tranh chống xâm nhập”, cho biết.

Còn Dean Cheng, chuyên gia nghiên cứu quân sự Trung Quốc tại quỹ Heritage Foundation (Mỹ), nhận định rằng chiến thuận tàu cá của Trung Quốc đang đặt Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Hải quân Mỹ vào vị trí khó khăn. Nếu dùng sức mạnh quân sự để giải tán các tàu cá này thì mất sự ủng hộ chính trị trên thế giới, và sau đó được coi là hành vi làm leo thang cuộc khủng hoảng bằng cách tấn công dân thường (tàu cá). Còn nếu không làm gì thì có nghĩa là mất chủ quyền và mất sự kiểm soát hành chính ở khu vực tranh chấp.



Tàu cá Trung Quốc dày đặc trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: Trung Hiếu

Việc sử dụng chiến thuật các tàu đánh cá của Trung Quốc đã có từ lâu, khi vào những năm 1990, tàu đánh cá Trung Quốc chen chúc bên ngoài đảo Mã Tổ, Kim Môn của lãnh thổ Đài Loan trong lúc hai bên đang căng thẳng về chính trị.

Vào thời điểm đó, Bộ Quốc phòng lãnh thổ Đài Loan cho biết khoảng 1.000 tàu cá Trung Quốc đã bao quanh quần đảo Đông Sa (Pratas) ở bắc Biển Đông; 250 tàu đánh cá ở phía bắc đảo Mã Tổ, gần Trung Quốc. Các tàu này được mô tả là có trọng tải khoảng 100 tấn với vỏ thép.

Trong thời gian này Trung Quốc còn sử dụng tàu đánh cá để do thám bờ biển của Đài Loan.

Theo ông Cheng, Trung Quốc sử dụng tàu cá để thu thập tin tình báo là cách thức rất rẻ mà hiệu quả, khi hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu đã được nước này đưa vào sử dụng.

Ngoài ra còn có khả năng hàng ngàn tàu đánh cá của Trung Quốc được trang bị thiết bị sonar dò tìm tàu ngầm, và chúng có thể là lực lượng chống ngầm trong tương lai.

Còn ông Tangredi nhận định Bắc Kinh rất khôn khéo khi dùng các tàu cá để tiến hành các cuộc phong tỏa cỡ nhỏ, mà tàu chiến các nước không dám tấn công vì sợ bị mang tiếng.

Hải quân Mỹ đã có kinh nghiệm đầu tiên với chiến thuật này là vào năm 2009 khi tàu khảo sát Impeccable và Victorious của họ bị quấy rối bởi một nhóm tàu cá và tàu hải giám Trung Quốc gần đảo Hải Nam. Trong các vụ đụng độ này, Trung Quốc đã giữ cho các tàu chiến của họ ở xa, và sử dụng tàu dân sự để can thiệp.

Khi nào Trung Quốc sẽ khởi động hoạt động quấy rối tiếp theo đối với Hải quân Mỹ? Defense News nhận định điều đó sẽ diễn ra ở biển Hoa Đông, nơi mà Trung Quốc đã áp đặt vùng nhận dạng phòng không từ cuối năm 2013 và đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.



Tàu cá Trung Quốc (trái) hùng hổ rượt đuổi và đâm chìm tàu cá Việt Nam ngày 27.5.2014 - Ảnh: Trung Hiếu



Ca bin tàu cá QNg 96074 TS của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc đập phá ngày 14.8 tại vùng biển Hoàng Sa - Ảnh: Hiển Cừ

Tin Nóng


0 nhận xét:

Đăng nhận xét