Có một doanh nhân lo âu và trăn trở với an ninh biển nước nhà, bên cạnh việc ủng hộ chủ trương chính sách đối ngoại hòa bình nhưng kiên quyết của Đảng và Nhà nước, ông đã gửi tâm thư đến lãnh đạo Chính phủ và Bộ GTVT phân tích và góp ý về vấn đề an ninh biển. Đó là doanh nhân Vũ Hải Hà, Giám đốc công ty Hàng hải Sopas.
Thành công nhờ kiên trì và mạo hiểm Sinh năm 1977, tại đất Cảng Hải Phòng, có bố là thủy thủ tàu biển, nên chàng trai Vũ Hải Hà yêu biển ngay từ khi còn nhỏ qua những câu chuyện bố kể về những vùng đất tươi đẹp, về những cuộc hành trình dài ngày trên sóng nước, những câu chuyện về các loài sinh vật thủy sinh kỳ lạ và những huyền thoại biển khơi khiến Vũ Hải Hà mê mẩn. Chính vì thế cả hai anh em trai đều chọn cho mình con đường nối nghiệp bố, tốt nghiệp Đại học Hàng hải và trở thành kỹ sư vận tải biển. Nhiều bạn bè học chung với Vũ Hải Hà tại khoa Kinh tế biển Trường Đại học Hàng hải - Phân hiệu phía Nam (1994-1999) vẫn còn nhớ và không khỏi thán phục cá tính mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, có phần hơi liều lĩnh của anh. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Đại học hàng hải, chàng kỹ sư vận tải biển Vũ Hải Hà xin làm việc cho các công ty hàng hải hàng đầu trong nước như: Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO), Công ty Cổ phần Hàng hải Sài Gòn, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hải (Inserco)… Sau khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm qua thực tiễn công việc, nhận thấy tiềm năng về vận tải biển Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và giao thương với thế giới là rất lớn, tháng 3/2004 ông mạnh dạn bàn với một số bạn học chung khoa Kinh tế biển thành lập Công ty cổ phần Hàng hải Sopas (Nay là Công ty Hàng hải Sopas, viết tắt là Sopas Corporation) chuyên về vận tải biển. Thời điểm đó việc một thanh niên trẻ dám nghỉ việc tại một doanh nghiệp Nhà nước để mở một công ty riêng về hàng hải là việc làm rất mới mẻ và mạo hiểm đối với nhiều người. Không ngại những khó khăn và rủi ro ban đầu, ông Hà lao vào công việc với một niềm tin mãnh liệt và đam mê bỏng cháy với nghề hàng hải còn mới mẻ và đầy thách thức. Trải qua những khó khăn vấp váp ban đầu, thành công đã đến với Vũ Hải Hà và Sopas Corporation. Khả năng giao tiếp thuyết phục bằng tiếng Anh cộng với sự kiên trì dựa trên nền tảng kiến thức vững chắc về hàng hải, am hiểu Luật Kinh doanh trong nước và thế giới đã giúp Vũ Hải Hà chinh phục được những đối tác trong và ngoài nước, đặc biệt là những đối tác nước ngoài nổi tiếng khó tính như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ… “Chính sự kiên trì và đam mê nghề nghiệp đã giúp tôi giành được nhiều hợp đồng lớn, như trường hợp về một khách hàng Đài Loan khó tính mà Vũ Hải Hà vẫn nhớ khi làm việc ròng rã hai năm trời mà vẫn chưa thể hợp tác. Nhiều người ở vào trường hợp đó sẽ không đủ kiên nhẫn để tiếp tục làm việc với vị khách hàng khó tính này, nhưng tôi vẫn kiên trì đáp ứng các đòi hỏi khắt khe mà vị khách Đài Loan yêu cầu và cuối cùng thì sau hai năm kiên trì theo đuổi, đối tác đến từ Đài Loan cũng ký hợp đồng vận chuyển đầu tiên với Sopas”, Vũ Hải Hà tâm sự. Với niềm đam mê và kiến thức về vận tải biển, dầu khí, Vũ Hải Hà đã thuyết phục được nhiều tập đoàn lớn về đóng tàu và giàn khoan trên thế giới đặt niềm tin và giao cho Sopas Corporation làm đại diện để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam như: Đại diện cho Tập đoàn giàn khoan Essar của Ấn Độ có giàn khoan nửa nổi nửa chìm đã khoan cho Vietsovptro, đại diện cho tập đoàn Công nghiệp nặng đóng tàu Samsung của Hàn Quốc để thực hiện dự án đóng giàn khoan nửa nổi nửa chìm cho Vietsovptro, đại diện cho công ty Dịch vụ dầu khí Northern Offshore của Hoa Kỳ để thực hiện dự án khoan dầu cho Vietgazprom, đại diện cho Tập đoàn giàn khoan Aban của Ấn Độ có giàn khoan đang khoan cho Vietsovptro…
Là một người tâm huyết với ngành Hàng hải, Vũ Hải Hà luôn trăn trở tự đi tìm lời giải trước các bài toán khó của ngành. Khi vụ Vinashin xảy ra và làm đau đầu các nhà hoạch định chiến lược về vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, vào tháng 6/2013, Vũ Hải Hà đã gửi thư cho Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, trình bày, phân tích tình hình và nêu giải pháp vực dậy và phát triển Vinashin. Vũ Hải Hà cũng trình bày ước nguyện được làm “người lính” cho Tư lệnh ngành tâm huyết và quyết đoán như Bộ trưởng Thăng. Vũ Hải Hà chia sẻ rằng, trước những vấn đề lớn của ngành, người trong nghề như anh không thể không trăn trở và tìm ra giải pháp, đó không chỉ là nhiệt huyết, niềm đam mê, mà còn là trách nhiệm công dân. Với sự am hiểu và có kinh nghiệm trong cả ngành Hàng hải và dầu khí, Vũ Hải Hà khẳng định, hiện nay thế giới đang chạy đua để khai thác và tranh giành kiểm soát biển hết sức khốc liệt. Với dự báo mới nhất của các nhà khoa học thì việc dự báo sản lượng dầu mỏ đã lên đến đỉnh điểm là không chính xác và thế giới sẽ tràn ngập dầu mỏ sau năm 2030. Như vậy, nhu cầu đóng các loại phương tiện làm việc trên biển để thăm dò và khai thác dầu mỏ sẽ ngày càng tăng, đây chính là thời cơ nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi ngành Hàng hải và đóng tàu nước nhà nắm bắt xu thế và tận dụng thời cơ để tạo bước phát triển đột phá, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng hải đóng tàu lớn của thế giới. Nhận xét về Ceo của Sopas Corporation, ông Syed Sajid - Giám đốc Khu vực của Tập đoàn Dầu khí Essar, Ấn Độ cho biết, ông rất khâm phục khả năng làm việc nhanh nhẹn và chuyên nghiệp của Vũ Hải Hà. Chính sự chuyên nghiệp của CEO này và đội ngũ nhân viên nhiệt tình của Sopas Corporation đã làm cho ông và các chuyên gia, công nhân đến từ Ấn Độ luôn cảm thấy thoải mái và làm việc đạt hiệu quả cao nhất. Việt Nam hiện đang là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài không muốn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và rất cần có những công ty chuyên nghiệp, am hiểu thị trường, pháp luật Việt Nam như Sopas Corporation tư vấn và đại diện cho các tập đoàn nước ngoài tìm hiểu và hợp tác đầu tư vào Việt Nam. Là một Ceo năng động và bận rộn với lịch làm việc dày đặc, thường xuyên phải đi công tác nước ngoài nhưng doanh nhân Vũ Hải Hà luôn cố dành thời gian cho gia đình, cùng vợ chăm sóc dạy dỗ hai cậu con trai. Hàng xóm của doanh nhân Vũ Hải Hà tại chung cư V-Star, quận 7, TP Hồ Chí Minh thường thấy ông đưa đón con đi học, đi chơi cuối tuần, không như nhiều doanh nhân khác bận rộn quên cả việc chăm sóc gia đình. Ông luôn tâm niệm rằng gia đình mới là điều quan trọng nhất và chính hạnh phúc gia đình là chìa khóa giúp ông lấy lại thăng bằng và sự tỉnh táo trong công việc. Tiền bạc làm cho cuộc sống gia đình thoải mái hơn nhưng nếu chỉ lo làm kinh tế mà thiếu đi tình cảm gia đình thì điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tuấn Minh |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét