(Xây dựng) - Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nay, nhưng trong lòng của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Trọng Hải, quê ở Tương Dương, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội) không lúc nào thôi day dứt nhớ về những đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh. Trong đó, niềm day dứa lớn nhất của ông là dành cho những chiến sỹ thuộc Trung đội Mai Quốc Ca - Trung đoàn 9 đã hy sinh, chỉ còn lại một người sau trận đối đầu với địch tại Quảng Trị.
Toàn bộ số phần mộ đồng đội của CCB Nguyễn Trọng Hải hy sinh đều chưa có tên. Để trả lại tên cho họ, biết bao nhiêu lần ông phải cất công đi hàng trăm cây số từ Hà Nội vào Quảng Trị để thu thập thông tin. Giờ đây sự lao tâm của ông đã được đền đáp, khi không lâu nữa, nhân ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 năm nay, 16/19 liệt sỹ - đồng đội của ông thuộc Trung đội Mai Quốc Ca sẽ được làm lễ dựng bia và trả lại tên, sau hàng chục năm cùng một tên chung. CCB Nguyễn Trọng Hải năm nay đã bước qua tuổi 73, nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và hoạt bát. Nhập ngũ ngày 15/10/1963, ông được biên chế ở nhiều đơn vị khác nhau, riêng giai đoạn từ năm 1968 đến 1975 là Trưởng Tiểu ban Quân lực Trung đoàn 9, Sư 304, tham gia chiến đấu tại các chiến trường Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh cho đến ngày đất nước thống nhất. Một ngày giữa tháng Tám lịch sử, tình cờ tôi được gặp ông tại Nhà khách 27/7 Quảng Trị. Trong căn phòng làm việc của Giám đốc Nhà khách 27/7, câu chuyện giữa ông và Giám đốc Hoàn về cuộc đối đầu định mệnh của Trung đội Mai Quốc Ca với địch, đã tái hiện lòng quả cảm của chiến sỹ ta một cách sinh động, làm cho chúng tôi càng khâm phục hơn về sự hy sinh của các anh. Đó là, chiến dịch năm 1972 đánh chiếm Đầu Mầu, Núi Kiếm, giúp mở toang cánh cửa phía Tây Quảng Trị. Bước sang giai đoạn 2, mặt trận giao nhiệm vụ Sư 304 cử Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 9 thọc sâu đánh chiếm chia cắt địch ở cầu Thạch Hãn, ngăn chặn địch từ Đông Hà đến Ái Tử, về chi viện cho Quảng Trị và ngược để tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Đông Hà, Ái Tử, La Vang, tạo điều kiên cho Sư 304 đánh chiếm và giải phóng Quảng Trị. Mai Quốc Ca là tên của Trung đôi trưởng, và Trung đội này được nhân dân Triệu Thượng (Triệu Phong, Quảng Trị) gọi là Trung đội Mai Quốc Ca. Lúc bấy giờ, Trung đội Mai Quốc Ca được giao nhiệm vụ đánh địch từ Đông Hà vào thị xã Quảng Trị. Tờ mờ sáng 10/4/1972, Trung đội gặp địch tại địa phận xã Triệu Thượng, gần ngôi trường tiểu học. Trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Sau một ngày cầm cự với lực lượng không tương cân, Trung đội Mai Quốc ca chỉ có 20 người, chiến đầu bằng những vũ khí trong tay. Trong khi địch có đến 3 tiểu đoàn, chưa kể bảo an dân vệ và được sự yểm trợ pháo binh, xe tăng, thiết giáp và máy bay. Song bằng lòng quả cảm và mưu trí, Trung đội Mai Quốc Ca đã chiến đấu ngoan cường, cho đến lúc hết đạn, các chiến sỹ của ta tổ chức đánh xáp lá cà bằng lưỡi lê, gậy, đá… Trung đội Mai Quốc Ca đã có 19/20 đồng chí hy sinh, nhưng các anh cũng đã kịp tiêu diệt được 125 tên địch và bắn cháy nhiều xe chiến đấu của địch. Cuộc đối đầu kết thúc, thi hài của các anh được du kích và nhân dân Triệu Thượng đưa về mai táng tại vùng đất gần làng Nhan Biều (Triệu Thượng), toàn bộ đều không tìm thấy danh tính. Sau nhiều lần di dời, lần cuối cùng thi hài của các anh được đưa vào Nghĩa trang liệt sỹ xã Triệu Thượng, nay là nghĩa trang huyện Triệu Phong, và trên từng phần mộ bia ghi danh là "Liệt sỹ đơn vị Mai Quốc Ca". Chiến tranh đang còn diễn ra ác liệt, nhưng Thiếu tá Nguyễn Trọng Hải thầm nguyện "nếu còn sống, sau khi đất nước giải phóng, ông sẽ tìm và trả lại tên cho liệt sỹ Trung đội Mai Quốc Ca. Từ nguyện cầu ấy, sau ngày đất nước được thống nhất, và sau khi nghỉ hưu, ông đã có thời gian để thực hiện nhiều chuyến hành trình hàng trăm cây số vào lại chiến trường xưa để tìm lại tên cho đồng đội. Từ việc huy động kinh phí, tìm lại danh sách của đồng đội và tìm về từng gia đình các anh tại nhiều địa phương, rồi kết hợp với Viện Sinh học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tổ chức giám định, xét nghiệm AND để xác định danh tính từng người... Với một khối lượng công việc lớn và vô cùng gian khó, không thể một sớm một chiều có ngay kết quả, nhưng bằng sự sự kiên trì, nhẫn nại và tình cảm với đồng đội, sự động viên, giúp đỡ của nhân dân Triệu Thượng, cùng với sự giúp đỡ của một số CCB và nhiều tổ chức liên quan từ Trung ương đến địa phương, giờ đây ước nguyện lớn lao ấy của CCB Nguyễn Trọng Hải đã trở thành hiện thực. Sự nỗ lực của ông đã đem lại niềm vui cho biết bao người, nhất là những thân nhân và đồng đội của Trung đội Mai Quốc Ca. Hữu Tiến |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét