Ngày 5.9, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2013 (Par Index 2013) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Kết quả công bố cho thấy, Bộ GTVT đã tiến bộ vượt bậc so với năm 2012 và đứng đầu bảng xếp hạng, đứng chót bảng là Ủy ban Dân tộc.
Tiêu chí chấm điểm lãnh đạo Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thì xuất phát từ việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng bộ tiêu chuẩn để đánh giá các chỉ số cải cách hành chính với mục đích trở thành công cụ quản lý mới trong triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, khắc phục tính chủ quan, một chiều trong việc theo dõi, đánh giá cải cách hành chính giai đoạn trước, đồng thời đánh giá một cách khoa học. Cũng theo ông Bình thì Par Index cấp bộ được xác định trên 7 lĩnh vực, tương ứng với 7 chỉ số thành phần, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần. Trong đó có 24 tiêu chí, tiêu chí thành phần được đánh giá thông qua điều tra xã hội học. Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được xác định trên 8 lĩnh vực, tương ứng với 8 chỉ số thành phần, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần. Trong đó có 33 tiêu chí, tiêu chí thành phần thông qua điều tra xã hội học. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết: Phương pháp đánh giá là sự kết hợp giữa việc tự đánh giá, chấm điểm của các bộ, các tỉnh có sự thẩm định của Bộ Nội vụ và sự chấm điểm thông qua điều tra xã hội học. “Việc điều tra xã hội học được Bộ Nội vụ xây dựng câu hỏi và tiến hành khảo sát, lấy ý kiến đánh giá các nhóm đối tượng khác nhau. Để đánh giá Par Index cấp bộ thì lấy ý kiến 3 nhóm đối tượng là Đại biểu QH, lãnh đạo cấp vụ, lãnh đạo cấp sở. Đối với Par Index cấp tỉnh thì lấy ý kiến 5 nhóm đối tượng là Đại biểu HĐND, lãnh đạo sở, huyện, người dân và doanh nghiệp”. Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì việc cải cách hành chính là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vì vậy bộ tiêu chí có thể trở thành công cụ để chấm điểm đối với những người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc cải cách hành chính theo Nghị quyết của Chính phủ. Có lẽ Par Index đã trở thành công cụ chấm điểm người lãnh đạo nên Par Index 2013 của các bộ, cơ quan ngang bộ đã có giá trị trung bình cao hơn so với năm 2012 với giá trị là 77,25%, không có bộ nào đạt chỉ số dưới trung bình. Bộ GTVT đã có sự tiến bộ vượt bậc và xếp vị trí đứng đầu. Xếp vị trí cuối cùng là Ủy ban Dân tộc với Par Index đạt 66,71%. Bộ Y tế đứng áp chót về việc cải cách hành chính năm 2013 với chỉ số đạt 74,19%. Cũng theo bảng xếp hạng thì có 7 bộ tụt hạng so với năm 2012 là các bộ Tư pháp, Công Thương, NNPTNT, Thanh tra Chính phủ, Bộ TTTT, Bộ KHĐT. Nếu như các bộ không có bộ nào có Par Index dưới trung bình thì tình hình cải cách hành chính ở các địa phương còn rất nhiều điều đáng suy nghĩ, bởi có tới 28/63 tỉnh có kết quả Par Index dưới mức trung bình của cả nước. Đà Nẵng vẫn giữ vị trí dẫn đầu. Đứng cuối bảng là Sơn La. Quảng Ninh - địa phương bấy lâu nay được coi là có bước “đột phá”, “điểm sáng” về cải cách hành chính chỉ xếp thứ 23/63 tỉnh, thành. Liệu có công bằng, khách quan?Phát biểu tại hội nghị, một số lãnh đạo bộ, ngành cho biết, kinh nghiệm để nâng bậc Par Index ngành là việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và coi đó là tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về việc Par Index của Bộ Nội vụ như vậy liệu có khách quan, khoa học? Băn khoăn này không phải không có lý khi số điểm Bộ Nội vụ tự thẩm định và chấm cho mình là 50,30% điểm - cao thứ 3 trong tổng số các bộ. Trong khi đó kết quả điều tra xã hội học đánh giá về việc cải cách hành chính của Bộ Nội vụ chỉ nhận được kết quả là 27,49%, tức là chỉ đứng cao hơn hai bộ đứng cuối bảng là Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế (?!). Một điều rất đáng lưu ý, đã có sự khác biệt khá lớn giữa kết quả các bộ tự đánh giá với nhau và kết quả điều tra xã hội học. Ví dụ như bộ đầu bảng là Bộ GTVT, kết quả tự đánh giá có sự thẩm định của Bộ Nội vụ là 51,80% nhưng kết quả điều tra XHH chỉ đạt 29,26%. Ngược lại, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính không được Bộ Nội vụ đánh giá cao và chỉ cho số điểm lần lượt là 47,05% và 49,45% thì kết quả điều tra xã hội học lại cho một con số cao nhất trong các bộ, ngành với số điểm là 30,15% cho Thanh tra Chính phủ và 30,44% cho Bộ Tài chính. Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, CCHC là khâu đột phá để phát triển đất nước. Vì vậy, việc đưa ra 1 chỉ tiêu cần thiết để đánh giá, đôn đốc các ngành, địa phương là cần thiết. “Có ý kiến đặt ra là việc đánh giá như vậy có khách quan hay không? Tôi cho rằng, bộ tiêu chí như vậy là có thể chấp nhận được” - Phó Thủ tướng nói. Tuy nhiên Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ cần tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đại biểu, đánh giá phải khách quan, khoa học, thực tế, đồng thời phải kết hợp với các chỉ số khác như năng lực cạnh tranh, mức độ hài lòng của người dân... thậm chí cả dư luận xã hội mới có thể đánh giá đầy đủ Par Index các bộ, ngành, địa phương. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, đến thời điểm này, tốc độ CCHC còn chậm, nhiều vấn đề bức xúc của người dân, DN còn chưa được quan tâm đến nơi đến chốn. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính kéo dài. Môi trường đầu tư kinh doanh thấp so với quốc tế, khu vực. Thủ tục hành chính, chất lượng hành chính công và đội ngũ cán bộ công chức còn yếu. “Chúng ta phải nhìn thẳng vào đó để thấy còn những bất hợp lý trong những lĩnh vực này để xây dựng một nền hành chính phục vụ người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế. Phải lấy kết quả CCHC hằng năm để đánh giá năng lực người đứng đầu, người lãnh đạo” - Phó Thủ tướng yêu cầu. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét