Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Mỹ từng khẳng định có những bằng chứng về thủ phạm gây ra thảm họa chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi ngày 17/7 vừa qua. Đến nay, họ vẫn chưa đưa ra được bất cứ điều gì.

Chiếc máy bay Boeing 777 mang chuyến hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines khi đang trên đường từ Hà Lan trở về nước đã gặp nạn tại Donetsk, khu vực đang xảy ra chiến sự ác liệt giữa quân ly khai miền đông và quân chính phủ Kiev. Toàn bộ 298 hành khách có mặt trên chuyến bay đã thiệt mạng. Ngay lập tức, mọi kịch bản thảm họa này đều được đưa tới giả thuyết rằng chiếc máy bay dân sự này đã bị tấn công bởi một chiến dịch quân sự.

Sau khi vụ việc xảy ra, liên tiếp các lời cáo buộc lẫn nhau từ hai phía, Nga đổ lỗi cho Ukraine, trong khi Kiev và Washington lại khẳng định quân ly khai, đứng đằng sau là sự hỗ trợ của Moscow, đã tấn công MH17. Tuy nhiên, cả hai bên đều không khẳng định chắc chắn được lời cáo buộc của mình.

Dù vậy, phía Nga đã có những phản ứng khá cứng rắn đối với lời kết tội từ phía Ukraine và Mỹ. Cụ thể, họ tự đứng ngoài cuộc điều tra liên quan đến vụ MH17 rơi. Ngoài ra, họ cũng công bố một số hình ảnh, thông tin mà họ cho là bằng chứng rằng Ukraine mới là thủ phạm bắn rơi máy bay MH17.

Trong cuộc họp báo ngày 21/7, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Nga, Trung tướng Andrei Kartapolov và Trung tướng Không quân Igor Makushev đã cho công bố các số liệu giám sát quân sự liên quan tới hoạt động triển khai vũ khí của quân đội Ukraine trước thời điểm chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines gặp nạn tại miền đông Ukraine hôm 17/7.

Từ đây, hai quan chức quân sự Nga đã đưa ra hàng loạt câu hỏi cho Kiev và Washington liên quan tới thảm kịch cướp đi sinh mạng của gần 300 người cũng như lý giải vì sao họ đặt ra những câu hỏi này.


Bộ Quốc phòng Nga tổ chức họp báo hôm 21/7.

1. Tại sao máy bay MH17 bay chệch khỏi hành lang bay quốc tế?

Phó chủ tịch Malaysia Airlines, ông Kheybat Gorter từng tuyên bố chuyến bay MH17 dự kiến bay ở độ cao 10,66 km, song phi công đã hạ độ cao theo yêu cầu của kiểm soát không lưu xuống 10,05 km.

Trong khi đó, Tướng Kartopolov khẳng định MH17 đã bay ở trong hành lang bay cho đến khi tiến tới không phận Donetsk. Sau đó, máy bay bay đi chệch hành trình về phía bắc khoảng 14 km.

2. MH17 bay chệch hành trình do lỗi phi công hay do tuân theo yêu cầu của kiểm soát không lưu Ukraine tại Dnepropetrovsk?

Theo Tướng Kartapolov, độ lệch tối đa so với ranh giới phía bắc của hành lang bay là 14 km. Vào thời điểm đó, máy bay đã cố gắng quay trở lại hành lang bay nhưng phi hành đoàn đã không kịp trở tay. Vào lúc 17h20, MH17 bắt đầu mất kiểm soát tốc độ và đến 17h23, chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn hình kiểm soát radar của Nga.


Bức ảnh vệ tinh số 3 do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy các hệ thống phòng không Buk được quân đội Ukraine triển khai tới khu vực cách Donetsk 5 km về phía bắc hôm 14/7.

3. Tại sao một lượng lớn hệ thống phòng không được quân đội chính phủ Ukraine triển khai tới khu vực chiến sự trong khi lực lượng ly khai không hề có máy bay?

Trung tướng Kartapolov khẳng định quân đội Ukraine đã triển khai 3 - 4 tiểu đoàn phòng không trang bị hệ thống BUK-M1 SAM đến vùng lân cận Donetsk vào đúng ngày xảy ra vụ tai nạn. Hệ thống này có khả năng bắn trúng các mục tiêu trong phạm vi bán kính 35 km và ở độ cao 22 km.

4. Tại sao Kiev triển khai hệ thống tên lửa BUK gần khu vực do quân ly khai kiểm soát đúng trước thời điểm MH17 gặp nạn?

Ông Kartapolov đã cho công bố hình ảnh vệ tinh về các khu vực phòng không của quân đội Ukraine. Trong đó, 3 bức ảnh vệ tinh đầu tiên được chụp vào ngày 14/7 cho thấy lực lượng phòng không Ukraine đã có động thái triển khai vũ khí tại khu vực đông nam nước này.

Bức ảnh đầu tiên ghi lại hình ảnh các tổ hợp phòng không Buk được bố trí tại một khu vực cách tây bắc Lugansk 8 km. Theo Trung tướng Kartapolov, bức ảnh này còn thấy rõ xe phóng tự hành và 2 xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn. Bức ảnh thứ hai là hình ảnh các trạm radar chiếu xạ mục tiêu gần Donetsk. Bức ảnh thứ ba ghi nhận vị trí các hệ thống phòng không Ukraine tại Donetsk, bao gồm xe phóng tự hành, gần 60 đơn vị quân sự và các thiết bị đặc biệt.

Tuy nhiên, đến ngày 17/7, vẫn cùng một địa điểm, hình ảnh vệ tinh cho thấy bệ phóng tổ hợp phòng không Buk đã hoàn toàn biến mất.

Thay vào đó, bức ảnh số 5 là hình ảnh một khẩu đội tên lửa Buk xuất hiện tại ngôi làng Zaroshchenskoye, cách Donetsk 50 km về phía đông và cách Shakhtyorsk về phía nam 8 km vào sáng ngày 17/7.

Song, bức ảnh số 6 chụp ngày 18/7 cho thấy khẩu đội tên lửa Buk tại khu vực này đã lại biến mất.


Hệ thống phòng không Buk đã biến mất khỏi khu vực cách Donetsk 5 km về phía bắc hôm 17/7.

5. Tại sao đúng ngày xảy ra vụ tai nạn MH17, Kiev lại tăng cường hoạt động của các trạm radar Kupol-M1 9S18 - một bộ phận của hệ thống tên lửa Buk?

Hôm 17/7, tần suất hoạt động của các trạm radar Kupol-M1 9S18 của Ukraine đã đột nhiên tăng cường. Sơ đồ cho thấy hôm 15/7, 7 trạm radar Kupol-M1 9S18 đã hoạt động gần khu vực MH17 bị bắn rơi. Tới ngày 16/7 là 8 trạm và đúng ngày xảy ra tai nạn 17/7 là 9 trạm.

Tuy nhiên đến ngày 18/7, tần suất hoạt động của các radar giảm đột biến. Hiện, mỗi ngày chỉ còn 2 – 3 radar hoạt động. Vậy nguyên nhân của sự bất thường này là gì?

6. Chiếc máy bay quân sự xuất hiện trên tuyến đường dành cho các máy bay dân sự để làm gì?

Vào đúng ngày 17/7, 3 máy bay dân sự đang thực hiện hành trình bay theo lịch. Một chuyến từ Copenhagen đến Singapore lúc 17h17, một chuyến bay từ Paris đến Đài Bắc lúc 17h24 và một chuyến bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur trên MH17.

Ngoài ra, hệ thống giám sát của Nga còn phát hiện một máy bay phản lực của Không quân Ukraina mà có thể là Su-25, đã theo dõi và áp sát chiếc MH17 của Malaysia Airlines.

Máy bay chiến đấu Su-25 đã bay cách máy bay của Malaysia khoảng 3 – 5 km. Trong khi đó, Su-25 có thể nhanh chóng đạt đến cao độ 10.000 m chỉ trong một thời gian ngắn. Với hệ thống tên lửa không đối không R60, Su-25 có thể nhắm bắn và tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách từ 5 – 12 km.


Sơ đồ bay của các chuyến bay dân sự hoạt động hôm 17/7 với sự xuất hiện của một chiến đấu cơ của Ukraine.

7. Tại sao máy bay quân sự lại bay quá gần với máy bay chở khách Malaysia?

"Trước đó, các quan chức quân sự Ukraine khẳng định không có bất cứ máy bay quân sự nào của Ukraine tại khu vực MH17 bị bắn rơi hôm 17/7. Như bạn thấy, đây rõ ràng là lời nói dối", Tướng Makushev nhấn mạnh.

8. Bệ phóng tên lửa Buk trong đoạn video mà truyền thông phương Tây đăng tải với cáo buộc được vận chuyển bất hợp pháp từ Ukraina đến Nga là ở đâu?

Tướng Kartopolov nhấn mạnh: "Tôi muốn nói là những thông tin chúng tôi cung cấp đều dựa trên nguồn thông tin đáng tin cậy và xác thực từ các hệ thống kỹ thuật hiện đại, chứ không như những lời cáo buộc vô căn cứ nhằm vào Nga".

"Điển hình, như đoạn video được truyền thông phương Tây đăng tải cho thấy một hệ thống tên lửa Buk di chuyển từ Ukraine sang Nga. Đây là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Đoạn video này được thực hiện trên vùng đất thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Kiev, thị trấn Krasnoarmeisk. Bằng chứng là trong nền một cảnh quay có tấm biển quảng cáo một đại lý xe hơi nằm tại số 34 đường Dnepropetrovsk. Quân đội chính phủ Ukraine đã giành quyền kiểm soát thị trấn Krasnoarmeisk từ ngày 11/5", ông Krasnoarmeisk chia sẻ.


Bức ảnh chụp từ màn hình đoạn video cho thấy hệ thống tên lửa Buk bị tình nghi di chuyển từ Ukraine sang Nga chỉ còn 2 trong số 3 quả tên lửa.

9. Bệ phóng tên lửa được di chuyển, giờ đang ở đâu? Tại sao lại thiếu một tên lửa trên bệ phóng? Lần cuối tên lửa được bắn ra từ các bệ phóng này là khi nào?

Ảnh chụp màn hình từ đoạn video được đăng trên tài khoản của Bộ Nội vụ Ukraine cho thấy một hệ thống tên lửa Buk được cho là được di chuyển từ Ukraine sang Nga chỉ còn 2 trong số 3 quả tên lửa. Vậy quả tên lửa thứ ba đang ở đâu?

10. Tại sao các quan chức Mỹ không công khai các bằng chứng xác minh MH17 đã bị tên lửa của lực lượng ly khai miền đông Ukraine bắn rơi?

Các quan chức Mỹ từng tuyên bố họ nắm trong tay hình ảnh vệ tinh chứng minh chiếc máy bay của Malaysia đã bị tên lửa của lực lượng ly khai bắn rơi. Nhưng cho đến nay, chưa ai được tận mắt nhìn thấy những bức ảnh này.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định một vệ tinh Mỹ đã bay qua phía đông nam Ukraine từ lúc 17h06 – 17h21 ngày 17/7 (theo giờ Moscow).

"Vệ tinh này là một phần của hệ thống thử nghiệm được thiết kế để theo dõi và giám sát các vụ phóng tên lửa trong nhiều khu vực khác nhau. Nếu các đồng nhiệp Mỹ chụp được hình ảnh từ vệ tinh này, họ nên công bố với cộng đồng quốc tế để kiểm tra xác thực chi tiết. Đây có thể là một sự trùng hợp, nhưng vệ tinh của Mỹ đã bay qua Ukraine vào đúng thời điểm máy bay MH17 gặp tai nạn", Trung tướng Kartapolov nhấn mạnh.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga đưa ra hàng loạt câu hỏi nghi vấn liên quan tới vụ tai nạn thảm khốc của MH17. Tuy nhiên, phía Kiev chưa bao giờ đưa ra lời giải thích mà luôn khẳng định họ nắm trong tay bằng chứng Nga là thủ phạm đứng sau vị bắn rơi MH17 và chỉ cho công bố các đoạn ghi âm.

Mặc dù, Mỹ đổ lỗi cho quân tự vệ miền đông Ukraine là thủ phạm gây ra tai nạn MH17 nhưng Washington cũng chưa từng công bố các thông tin tình báo để chứng minh cho lời cáo buộc của mình.

Hôm 21/7, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho rằng những tuyên bố của Nga chỉ mang tính "tuyên truyền và nhạt nhẽo thiếu thông tin" nhưng khi các phóng viên hỏi liệu Washington có thể cung cấp nguồn tin tình báo và hình ảnh vệ tinh, bà Harf chỉ trả lời "có lẽ".

Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.

MINH THU (lược dịch)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét