Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý với đề xuất cho khoảng 11.000 lao động nước ngoài trong đó 90% là người Trung Quốc vào làm việc tại Formosa và các điểm tập trung bên ngoài dự án.


Tháng 6 - 7/2014, tại Khu kinh tế Vũng Áng, hơn 30 nhà thầu đang thi công các gói thầu dự án Formosa đã đồng loạt xin phép được tuyển dụng số lượng gần 11.000 lao động nước ngoài để phục vụ dự án, trong đó trên 90% lao động nước ngoài tuyển dụng mới đều mang quốc tịch Trung Quốc (khoảng 10.000 người). Sau khi các nhà thầu trình văn bản, hồ sơ lao động, ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh đã có báo cáo UBND tỉnh về tình hình sử dụng lao động tại các gói thầu, về cơ bản UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý các gói thầu được tuyển người nước ngoài. Không chỉ để lao động nước ngoài làm việc tại Fomosa, ngày 29/7 Formosa còn có gửi UBND tỉnh, đề nghị chấp thuận để các nhà thầu của FHS (hoặc nhà thầu phụ) tuyển dụng lao động nước ngoài, thực hiện các hạng mục công trình và cũng đã được chấp thuận. Trong đó đã có 25 nhà thầu Trung Quốc, chỉ có 3 nhà thầu Việt Nam để thực hiện các hạng mục lò cao số 1, số 2 và các công trình dự án cảng Sơn Dương. Một lãnh đạo thuộc ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết: sở dĩ đợt này lao động có số lượng lớn là vì các gói thầu đang trong giai đoạn gấp rút thi công, vả lại sau biến cố ngày 14/5, nhiều lao động về nước và một số gói thầu bị ảnh hưởng. Như vậy trong số 10.000 lao động Trung Quốc sẽ đến Vũng Áng làm việc trong thời gian tới thì 6.000-7.000 người sẽ làm việc tại Fomosa, còn lại sẽ làm tại các điểm tập trung bên ngoài dự án. Thực tế, sau sự cố công nhân quá khích diễn ra vào tháng 5, số lao động Trung Quốc trở về nước không thấm tháp vào đâu so với 10.000 lao động được cấp phép sắp tới. Trước đó, công tác quản lý lao động nước ngoài tại Vũng Áng đã có khá nhiều bất cập, thì số lượng trên 1 vạn lao động nước ngoài sắp đến làm việc thời gian tới liệu có thể được quản lý chặt chẽ? Thêm nữa, tuyển ồ ạt lao động nước ngoài vào làm việc cũng đồng nghĩa mất cơ hội có việc làm với chừng đó lao động địa phương và các tỉnh thành lân cận đi cùng với đó là những bất ổn xã hội vốn đã tồn tại từ khi Formosa hoạt động. Trước đó Formosa Hà Tĩnh cũng đã có những yêu sách được đánh giá là “thái quá” khi đề nghị thành lập đặc khu kinh tế gang thép tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Tuy vậy, đề nghị này đã không được chấp nhận.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét