Trong các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp, phân bón có vai trò cực kì quan trọng. Từ xa xưa, ông bà ta đã nói: nhất nước, nhì phân… Sản xuất nông nghiệp nói chung, thâm canh lúa nói riêng, không thể không sử dụng phân bón. Nhưng thật đáng lo là thị trường phân bón nội địa lại đang bộc lộ nhiều vấn đề.
Trước tình trạng làm ăn thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất, Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình đề xuất với đơn vị chủ quản là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) xin tăng thuế nhập khẩu phân bón. Theo lí giải của nhà máy này cũng như của Vinachem, tăng thuế nhập khẩu là để hạn chế nguồn phân bón nhập khẩu, từ đó tăng thị phần cho phân bón sản xuất trong nước. Dựa vào đề xuất của Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình, Vinachem có văn bản gửi Chính phủ cũng như các ngành liên quan xin tăng thuế nhập khẩu phân bón. Theo đề xuất của Vinachem, đối với phân Ure, mức thuế tăng lên 7% thay vì 5% như hiện nay. Tương tự như vậy, thuế nhập khẩu phân bón NPK từ 6% tăng lên 8%, phân bón DAP tăng lên 8% thay cho 5% như hiện nay. Đề xuất tăng giá nhập khẩu phân bón nếu được chấp nhận, giá phân bón trên thị trường nội địa sẽ có mặt bằng mới, cao hơn trước đây cũng như hiện thời. Khi đưa ra đề xuất tăng thuế nhập khẩu phân bón, hình như Vinachem không biết (hoặc cố tình không biết) thực tế: giá cả đầu ra của nhiều nông sản không những không tăng mà còn giảm sút. Sau khi nhận được văn bản của Vinachem, Bộ Tài chính lập phương án điều chỉnh giá nhập khẩu đối với phân Ure và DAP. Theo đó thuế nhập khẩu phân bón Ure và DAP được đồng ý tăng cao hơn so với hiện nay. Phương án tăng thuế nhập khẩu phân bón do Bộ Tài chính soạn thảo được gửi tới Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Hội Nông dân Việt Nam. Đến thời điểm này, sau khi nhận được phương án của Bộ Tài chính, phần lớn các bộ trả lời bằng cách…im lặng. Riêng Hội Nông dân Việt Nam thẳng thừng phản đối việc tăng thuế nhập khẩu phân bón. Cũng cần nói thêm rằng, để tạo thêm "sức mạnh” khi đưa ra đề xuất nói trên, Vinachem cho rằng lượng phân bón nhập khẩu đang không ngừng gia tăng. Nhưng thực tế tự nó bác bỏ lập luận vô căn cứ này. Số liệu của Bộ NNPTNT cho biết, đến hết tháng 7-2014, số lượng phân bón nhập khẩu giảm gần 16% so cùng kì 2013. Có một thực tế đầy sức thuyết phục không thể không nói đến: phân bón nhập khẩu không hề thua kém chất lượng, trong khi mức giá luôn thấp hơn phân bón sản xuất trong nước. Trong cùng thời điểm, cùng một loại phân bón, giá phân bón sản xuất trong nước luôn cao hơn phân bón nhập khẩu. Với thực tế "đanh thép” như vậy, Hội Nông dân Việt Nam rất tự tin khi đưa ra ý kiến bác bỏ việc tăng thuế nhập khẩu phân bón. Sản xuất nông nghiệp sử dụng nhiều vật tư đầu vào, trong đó phân bón chiếm khoảng 40% trong tổng giá thành sản phẩm. Tăng thuế nhập khẩu phân bón là đồng nghĩa tăng giá, tăng mức chi phí, lợi ích của bà con nông dân vốn đã thấp càng trở nên teo lép. Không nên chỉ vì lợi ích trước mắt của một vài doanh nghiệp mà không nhìn tới lợi ích cơ bản của hàng chục triệu hộ nông dân. Hoạch định chính sách nói chung cũng như điều chỉnh thuế suất nói riêng, phải dựa vào nhiều căn cứ, trong đó lợi ích của số đông người dân phải là căn cứ quan trọng nhất. Bá Tân |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét