Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Làm sao để vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh mà vẫn đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước?...


Vẫn là sự quan tâm về thực hiện quyền tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm của công dân đã được hiến định, song làm sao để vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh mà vẫn đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước đang là vấn đề còn nhiều băn khoăn.

“Anh vừa bán phở, vừa bán cà phê là quyền của anh, nhưng phải đăng ký để tôi biết. Ngược lại, tôi kinh doanh ngành nghề nằm ngoài phạm vi pháp luật cấm và đảm bảo điều kiện thì tôi đăng ký để ông biết, chứ không phải để ông cấp phép”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh như vậy sáng 11/8, trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Vẫn là sự quan tâm về thực hiện quyền tự do kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm của công dân đã được hiến định, song làm sao để vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh mà vẫn đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước đang là vấn đề còn nhiều băn khoăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án luật - Nguyễn Văn Giàu cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật mới nhất đã quy định danh mục những ngành, nghề cấm kinh doanh. Còn đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, luật chỉ quy định về thẩm quyền, hình thức văn bản và tiêu chí điều kiện kinh doanh của các ngành, nghề đó.

Danh mục cụ thể ngành, nghề kinh doanh có điều kiện giao Chính phủ ban hành, trừ những ngành, nghề được quy định trong các luật, pháp lệnh chuyên ngành, ông Giàu cho biết.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để phù hợp với tinh thần mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm của Hiến pháp mới.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình.

Nhấn mạnh quan điểm tự do kinh doanh nhưng không phải ”vô tổ chức muốn làm gì thì làm”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng ngành nghề kinh doanh là vấn đề cực kỳ quan trọng, "ngành nào xã hội cần, tôi mới cho anh kinh doanh". Vì thế ngành nghề kinh doanh phải có trong hồ sơ đăng ký.

"Tự do kinh doanh thì anh cứ đăng ký, nhưng tôi thấy đủ rồi thì tôi không cho anh. Ví dụ anh muốn kinh doanh karaoke, nhưng karaoke phường tôi đủ rồi thì tôi có thể từ chối anh. Vì thế nếu bổ sung ngành nghề mà mà chỉ mỗi có cái giấy thông báo thì không quản lý được", ông Hiện phát biểu.

Chủ nhiệm Hiện cũng lo ngại, “nếu không cẩn thận thì người kinh doanh sẽ lách luật. Đầu tiên tôi kinh doanh karaoke sau đó mở sàn nhảy thì Nhà nước "chết" với tôi à?”.

Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh có hồi âm. Đồng tình với quan điểm phải đảm bảo quản lý nhà nước, song Bộ trưởng Vinh cho hay ông “sợ” là đang quy định quá nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Với quy định 368 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì không có chuyện hôm nay karaoke ngày mai mở sàn nhảy, Bộ trưởng Vinh quả quyết.

"Ngoài các ngành nghề bị cấm và có điều kiện thì kinh doanh thoải mái, hôm nay tôi bán cà phê, ngày mai tôi bán tạp hóa là quyền của tôi", ông Vinh nói.

Cũng bày tỏ sự đồng tình cao phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp, song cả Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và một số vị khác đều cho rằng lo lắng của Chủ nhiệm Hiện không phải là không có lý.

Quyền tự do kinh doanh và kinh doanh ngành nghề gì là hai vấn đề gắn bó với nhau nhưng không đồng nhất, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cái khó nhất hiện nay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ có trình được ra Quốc hội danh mục những ngành, nghề cấm kinh doanh và các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hay không.

Nếu không làm rõ nội dung đó thì không đưa luật ra Quốc hội được, vấn đề cốt lõi nhất của dự thảo luật là bảo đảm quyền tự do kinh doanh các ngành nghề không cấm. Danh mục cấm này là phải đưa ra hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, Chủ tịch nói.

Mong rằng việc sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sẽ là cuộc cải cách, Chủ tịch cho rằng điều quan trọng là cần “vượt lên chính mình và cải cách chính mình”, để làm rõ làm kỹ với tinh thần hết sức quyết liệt vì đất nước vì nhân dân. Làm được như vậy, theo Chủ tịch có thể loại bỏ lợi ích nhóm và cả rủi ro pháp lý trong kinh doanh.

Ông nhấn mạnh, khi cấp giấy phép kinh doanh cần phải nói rõ hai điểm là không được kinh doanh các ngành nghề bị cấm, hai là phải đủ điều kiện thì mới được kinh doanh ngành nghề có điều kiện.

Nguyễn Lê

VNECONOMY


0 nhận xét:

Đăng nhận xét