Giới chuyên môn cho rằng, không nên đầu tư VHC ở mức giá hiện tại.
Tái cơ cấu lĩnh vực Trong nhóm ngành cá tra, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nếu loại trừ tỷ lệ sở hữu của Hùng Vương tại Agrifish thì Vĩnh Hoàn (VHC) đang là DN xuất khẩu lớn nhất hiện nay. Cụ thể, giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2014 của Vĩnh Hoàn đạt 121 triệu USD. Chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn vì Vĩnh Hoàn là DN duy nhất được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá (POR9) bằng không (0 USD/kg) giai đoạn 1/8/2011-31/12/2012. Theo thông tin từ kỳ xem xét POR10 sơ bộ, VHC sẽ tiếp tục được hưởng mức thuế ưu đãi này ở thị trường Mỹ. Lợi thế là vậy, nhưng xét trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thì VHC vẫn bị ảnh hưởng. Nguyên nhân do cạnh tranh trong ngành xuất khẩu cá tra luôn gay gắt, thiếu lành mạnh. Với 160 công ty cùng hoạt động, cá tra liên tục rớt giá. Cùng đó, cá tra không còn là sản phẩm độc quyền của Việt Nam nữa. Hiện nay, Indonesia đang bắt đầu phát triển giống cá này, còn Ấn Độ hàng năm sản xuất khoảng 500.000 tấn. Điều này lý giải vì sao thời gian qua VHC đã thay đổi rất nhiều trong chiến lược kinh doanh. Mới đây nhất, ngày 31/7/2014, VHC đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng toàn bộ 70% vốn góp trong CTCP thức ăn thủy sản Vĩnh Hoàn 1 cho đối tác Pimilco International với tổng giá trị đạt 19,6 triệu USD. Trong báo cáo tài chính ghi rõ, với giá trị vốn đầu tư đến cuối quý I năm nay là 52,5 tỷ đồng, thương vụ nói trên sẽ mang lại khoảng 363 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho VHC và được ghi nhận vào quý III/2014. Việc thoái vốn khỏi mảng thức ăn chăn nuôi cũng nằm trong kế hoạch tái cấu trúc tổng thể hoạt động của VHC. Đối với VHC, trong khi nhiều nhà máy thủy sản hoạt động cầm chừng và khó khăn, việc đầu tư cho mảng thức ăn thủy sản không phải là vấn đề cấp thiết lúc này. Thay vào đó, công ty sẽ đẩy mạnh mua bán sáp nhập (M&A) một số công ty thủy sản gặp khó khăn khác để gia tăng quy mô. Trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất giữa lãnh đạo của Vĩnh Hoàn và chuyên viên của CTCK Rồng Việt, đại diện DN này chia sẻ rằng, công ty dự kiến sẽ mua lại Công ty TNHH MTV Vạn Đức Tiền Giang - DN hiện sở hữu vùng nuôi tại Bến Tre với năng lực sản xuất khoảng 100 tấn/ngày - qua đó giúp VHC tăng năng suất lên 20%. Đồng thời, VHC cũng tiết lộ khả năng sẽ thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh gạo để hoàn toàn tập trung vào lĩnh vực thủy sản. Tuy chi tiết các thương vụ chưa được tiết lộ, nhưng công ty thể hiện mong muốn hoàn tất việc tái cấu trúc này trong năm nay. Đối với NĐT, đây thực sự là thông tin rất quan trọng vì nó sẽ tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của VHC trong năm 2014. Ngoài ra, việc tăng cường đầu tư máy móc thiết bị cũng được VHC chú trọng, với dự kiến khoản đầu tư trong năm nay đạt 1.105 tỷ đồng, trong đó khoản đầu tư cho tủ đông lạnh chiếm 600 tỷ đồng. Với mức đầu tư này, dự kiến năng suất của VHC sẽ tăng lên 10-15%. Về dự án sản xuất Collagen, những sản phẩm thử đầu tiên đã được VHC bán ra thị trường với mức giá khá cao, hơn 5 triệu đồng/kg và đã nhận được phản hồi khả quan từ thị trường và người mua. Theo kế hoạch của VHC, trong năm 2015 doanh thu từ mảng này có thể đóng góp 140 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế có khoảng 28 tỷ đồng… Mức giá đã cân bằng Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt khoảng 255 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ; cộng thêm chiến lược M&A, thoái vốn… như đã nêu ở trên, cổ phiếu VHC có phần hấp dẫn trong mắt NĐT. Trên thực tế, cổ phiếu VHC đã tăng hơn 30% trong quý II/2014. Chuyên viên ngành Nguyễn Thanh Thúy (CTCK Rồng Việt) cho biết, ước tính EPS năm nay của VHC sẽ đạt khoảng 7.500 đồng. Với mức giá hiện nay (47.500 đồng/cổ phiếu, ngày 8/8), P/E 2014 (sau pha loãng) của VHC vào khoảng 6x. Tuy nhiên, vị chuyên viên này nhấn mạnh, nếu tính toán có loại trừ cẩn trọng, VHC đã ở mức giá cân bằng. “Mặc dù chúng tôi đánh giá cao chiến lược cơ cấu của VHC và cũng có những kỳ vọng nhất định đối với dự án Collagen, nhưng chính DN này cũng thừa nhận không dễ dàng tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm Collagen với mức giá đưa ra. Chúng tôi sẽ không khuyên NĐT tham gia vào VHC tại mức giá này”, bà Thúy nói. Các chuyên viên phân tích của BVSC cũng cho rằng, tính thanh khoản của cổ phiếu thấp nên VHC không hấp dẫn cho đầu tư ngắn hạn mà chỉ có tiềm năng trong dài hạn. Còn theo phân tích của VCBS, trước diễn biến giá cá tra sụt giảm, tăng trưởng lợi nhuận của VHC trong năm nay là điều DN ít mong đợi. Hơn nữa, biên lợi nhuận của Vĩnh Hoàn trên thực tế cũng đã từng giảm từ 5,8% năm 2012 xuống còn 3% năm 2013… Vũ Hoàng |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét