Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Mức giá hồ tiêu đầu năm 2014 tưởng được coi là kỷ lục với 145 ngàn đồng/kg, nhưng đến giữa tháng 7 đã nhảy vọt lên đến 190 ngàn đồng /kg. Giá tiêu càng hấp dẫn, nhiều nhà vườn càng chạy đua trồng tiêu, thậm chí nhiều hộ sẵn sàng chặt bỏ các loại cây trồng khác đang cho thu hoạch chỉ để… trồng tiêu.

Chúng tôi về huyện Cư Kuin, nơi được mệnh danh “Vương quốc” mới của hồ tiêu tỉnh Đắk Lắk. Ông Nguyễn Văn Tâm (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) làm một phép tính, đầu tư trồng tiêu sau 3 năm mất khoảng 400-500 ngàn đồng/trụ, 1ha trồng bình quân được 1.600 trụ, chi phí khoảng 700-800 triệu đồng/ha. Nếu mưa thuận gió hòa, sau 3 năm 1 trụ cho khoảng 2kg, năng suất khoảng 3 tấn/ha. Chỉ cần lấy giá đầu vụ là 145 ngàn đồng/kg, đã thu trên 400 triệu đồng/ha ngay năm đầu. Tiếp tục chăm sóc tốt, gặp giá cả thuận lợi, chỉ sau 2 năm tiếp theo không chỉ thu hồi vốn, mà còn có lãi, bởi năng suất tiêu càng về sau càng tăng. Từ năm thứ 3 trở đi, bình quân thu lợi nhuận 300 triệu đồng/ha/năm.

Trước “sức hút” hấp dẫn của thị trường hồ tiêu khiến các nhà vườn của huyện Cư Kuin đang đua nhau mở rộng diện tích, thậm chí nhiều hộ sẵn sàng đốn hạ các loại cây trồng khác để trồng tiêu. Ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư Kuin thừa nhận: “Từ đầu năm 2014 đến nay, bà con nông dân đã trồng mới hơn 200.000 trụ tiêu (tương đương 200ha), nâng tổng diện tích hồ tiêu chuyên canh lên 1.666ha, đó là chưa kể đến diện tích tiêu xen canh đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Trong khi đó, diện tích cây hồ tiêu theo quy hoạch của huyện đến hết năm 2014 chỉ là 1.600ha”.

Không riêng gì ở tỉnh Đắk Lắk, mà hiện nay, trên địa bàn một số huyện của tỉnh Đắk Nông, người dân cũng đua nhau chặt bỏ cà phê, cao su, điều… để trồng tiêu. “Cơn sốt” này không chỉ khiến cho đất sản xuất, trụ tiêu tăng giá đột ngột, mà giống tiêu cũng trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. “Nếu như hai năm trước, một đoạn thân dây hồ tiêu chỉ 10.000 đồng thì hiện nay giá đã lên đến 30.000-40.000 đồng. Còn đối với các bầu giống ươm sẵn, giá cũng tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/bầu. Do giá tiêu giống tăng cao, nhà nhà đổ xô đi trồng tiêu đã khiến các cơ sở cây giống không cung cấp đủ nhu cầu nên nhiều nhà vườn còn kiêm luôn cơ sở bán tiêu giống” - ông Trần Văn Tâm (trú xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, Đắk Nông) cho biết.

Tình trạng người dân ở Tây Nguyên đổ xô trồng tiêu khiến ngành nông nghiệp và giới chuyên môn lo lắng. Bởi nó không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến lợi ích của người nông dân, mà còn gây hệ lụy khôn lường đối với môi trường.

Hiệu quả kinh tế từ cây tiêu đã cho nhiều nông dân thu được tiền tỷ là thực tế, nhưng không phải ai trồng tiêu cũng thành công. Bởi tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày, chu kỳ kinh doanh cả hàng chục năm, vốn đầu tư ban đầu lớn, kỹ thuật chăm sóc cầu kỳ... Thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình đã ồ ạt đưa các giống tiêu lạ, tiêu không rõ nguồn gốc và nhiễm bệnh vào trồng, hoặc bố trí trồng trên những chân đất không thích hợp, thiếu quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… dẫn đến tiêu chết hàng loạt. Còn đối với các hộ tự tạo hoặc mua giống thông qua người quen không có sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nên chất lượng không bảo đảm. Tình trạng này khiến cho năng suất, chất lượng hạt tiêu không đạt chuẩn theo yêu cầu mà thị trường đòi hỏi.

Bên cạnh đó, với lối canh tác tư duy tự phát theo kiểu “phong trào” sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là ở một số vùng, bà con đã chặt bỏ vành đai cây chắn gió trong khu vực sản xuất, vườn cà phê, phá rừng để dựng trụ trồng tiêu… khiến ngành nông nghiệp các địa phương không quản lý nổi. Một vấn đề nữa là phần lớn các hộ trồng tiêu vì sợ tiêu nhiễm bệnh, giảm năng suất nên đã lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách vô tội vạ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm.

Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng trên, các ngành chức năng của các tỉnh Tây Nguyên cần sớm tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể đối với từng vùng trồng tiêu, thực hiện thâm canh để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, các trung tâm khuyến nông để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo điều kiện giúp cho đồng bào các dân tộc đầu tư thâm canh, phát triển cây hồ tiêu một cách bền vững


0 nhận xét:

Đăng nhận xét