Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

(TBKTSG) - Bà Nguyễn Thị Mười, một nhân viên bán vé ga Nam Định, cách đây gần hai tháng, đã làm một việc rất dại dột là nhắn tin sai sự thật để... thử Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng xem ông có giải quyết ngay những phản ánh của khách hàng hay không. Bà đã có câu trả lời ngay lập tức bằng một quyết định đình chỉ công tác.

Chiến Thắng


Đến nay, hiện tượng lún vệt bánh xe tại một số dự án giao thông vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời chính xác. Ảnh: ANH QUÂN

Cầm tay chỉ việc

Có lẽ lúc ấy, bà Mười không biết rằng, Bộ trưởng Thăng gần đây đang liên tục xuất hiện tại những “điểm nóng” để cố gắng giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến ngành giao thông vận tải. Dường như cứ nhận được tin nhắn “tiêu cực” nào, ông Thăng đều phản ứng ngay.

Tuần trước, bộ trưởng thừa nhận tại hội nghị ngành hàng không, rằng ông thường xuyên nhận được tin nhắn “chửi bới của hành khách” vì tình trạng chậm chuyến và hủy chuyến. Không rõ mỗi ngày bộ trưởng nhận được bao nhiêu tin nhắn các loại, nhưng chỉ riêng việc đọc hết các tin nhắn đó đã ngốn của “tư lệnh ngành giao thông” không ít thời gian và... tâm trí.

Thậm chí, khi nhận được phản ánh của người dân “Bác Thăng ơi, trạm cân của bác quá rẻ, chỉ cần 500k là có thể qua”, bộ trưởng còn cẩn thận nhắn lại để hỏi “500k nghĩa là gì?”! Nhiều người dân cảm thấy hồ hởi khi lâu rồi họ mới được chứng kiến một bộ trưởng trực tiếp ra quốc lộ để bắt xe quá tải, dọa đuổi nhà đầu tư thiếu năng lực khỏi dự án, thậm chí yêu cầu lãnh đạo Cục Hàng không lên máy bay cõng từng khách xuống nếu thiếu... xe thang. Bộ trưởng còn “nhạy cảm” đến mức chỉ đạo dừng dịch vụ cung cấp hộp ngủ tại sân bay vì sợ hành khách cảm thấy bị... trêu tức trong bối cảnh tình trạng chậm, hủy chuyến đang diễn ra nhiều.

Nhưng cũng có không ít người lo lắng rằng, bộ trưởng làm sao có đủ thời gian để giải quyết hết những vấn đề mang tính sự vụ như vậy? Bộ máy giúp việc của ông từ các thứ trưởng, vụ trưởng, cục trưởng ở đâu? Đằng sau những “trảm”, những “chém”, những mệnh lệnh hành chính... liệu có kèm theo các chính sách hiệu quả để bộ máy vận hành trơn tru không, hay chỉ khi có mặt bộ trưởng thì mọi việc mới đâu vào đó, giống như những chiếc xe quá tải to lù lù đang hàng ngày lưu thông trên quốc lộ, mà bộ trưởng phải thốt lên “ai cũng biết mà thanh tra không biết?”

Để đánh giá một hành động là có hiệu quả hay không, cần có thời gian.

Thời gian sẽ trả lời

PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự (Học viên Hành chính Quốc gia), cho rằng khi một bộ trưởng “tác nghiệp cụ thể” tại hiện trường, có thể ông ta mới chỉ thấy hiện tượng mà chưa thấy hết được bản chất đằng sau, vì vậy có thể những quyết định ban hành ngay cũng là vội vã.

Theo ông Sơn, điều quan trọng đối với người đứng đầu một ngành, một lĩnh vực không phải là “cầm tay chỉ việc” mà phải tạo được một đội ngũ cấp dưới tuân theo mệnh lệnh để làm đúng công việc đã được phân công. “Nếu bộ trưởng mà cầm tay chỉ việc thì coi như đã chấp nhận là đội ngũ cấp dưới từ thứ trưởng trở xuống không đủ năng lực”.

Ông Võ Kim Sơn dẫn chứng, nếu có hàng trăm hàng ngàn việc, việc gì cũng phải báo cáo tiến độ hàng ngày cho bộ trưởng thì chắc chắn người đứng đầu ngành không thể đủ thời gian và tâm trí theo sát được hết.

“Quản lý tầm vĩ mô là phải xây dựng chính sách để có tác động trực tiếp đến người dân cả nước trong lĩnh vực mình phụ trách, chứ không phải chỉ là một vài công trình, dự án cụ thể. Nếu bộ trưởng là người có năng lực quản lý tầm vĩ mô thì sẽ chỉ đạo được bộ máy cấp dưới không để cho tiêu cực xảy ra”, ông nói.

Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, chức trách của người lãnh đạo trong hệ thống hành chính nhà nước, nặng về xây dựng thể chế, sau đó kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện. Nếu cấp dưới thi hành không đầy đủ thì người lãnh đạo phải có trách nhiệm xử lý.

Theo ông Nghĩa, trong những tình huống mà thể chế kém hiệu lực, không có khả năng chế ngự sai phạm, thì sự xuất hiện của lãnh đạo theo kiểu vi hành ngày xưa, không chuẩn bị, không báo trước, không để người ta dẫn dắt lèo lái, là việc làm đáng hoan nghênh. Sau khi kiểm tra phát hiện sai phạm, có thể người lãnh đạo sẽ xử lý ngay tại chỗ, nhưng cơ bản nhất là khi quay về họ phải giải quyết được tận gốc vấn đề: tại sao trên thực tế các quy định lại không được thực hiện như mong muốn? Vì thể chế không hợp lý, không sát thực tế hay kỹ thuật nội dung không đầy đủ, hay kiểm tra kiểm soát tổ chức chưa tốt, hay con người có vấn đề...? Tất cả cần được điều chỉnh kịp thời.

“Nếu bộ trưởng nghĩ giải quyết những sự vụ đó là việc chính của mình, thì trách nhiệm chưa tròn. Vấn đề là phải làm sao có thể chế thích hợp, có hệ thống triển khai thực hiện thích hợp, con người thích hợp để nó vận hành trơn tru, chứ không phải lúc nào lãnh đạo có mặt thì bộ máy mới chạy tốt”, ông Nghĩa bình luận.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đánh giá, những việc làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng có thể đang là một “hiện tượng”, được nhiều người hoan nghênh. Sở dĩ như vậy bởi theo ông Quốc, lâu nay bộ máy của chúng ta có nhiều vấn đề tồn đọng và không được giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, để đánh giá một hành động là có hiệu quả hay không, cần có thời gian. “Công chúng sẽ giám sát việc làm của bộ trưởng, và chính bộ trưởng cũng sẽ phải tự điều chỉnh mình cho phù hợp”, ông nói.

PSG.TS. Võ Kim Sơn lưu ý, các văn bản pháp luật nhà nước đã quy định rõ, và các nhà quản lý cần phải tách bạch giữa quản lý chính sách và thực hiện chính sách. Bộ trưởng, hay thứ trưởng phụ trách một ngành không nên và không thể đi điều hành hay cổ vũ một dự án cụ thể của doanh nghiệp thuộc ngành mình quản lý.
Các bộ trưởng, những tư lệnh ngành, đã thực hiện đúng chức trách của mình hay chưa?


0 nhận xét:

Đăng nhận xét