Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

100 công ty niêm yết lớn nhất tại Đông Nam Á ngày càng có nguy cơ vỡ nợ do mức nợ tăng mạnh trong khi khả năng sinh lời giảm.


Năm 2013, hệ số nợ/thu nhập của 100 công ty niêm yết lớn nhất tại Đông Nam Á tăng nhanh nhất 2 năm do doanh thu trung bình trên vốn lần đầu tiên giảm kể từ năm 2008, theo số liệu của Bloomberg. Mức nợ của 100 công ty này tăng 89% trong 4 năm qua, tương đương 501 tỷ USD.

Ví dụ, theo hồ sơ tài chính mới nhất của tập đoàn CP All của Thái Lan, điều hành 7 chuỗi cửa hàng 7- Eleven nội địa và tại Trung Quốc, hệ số nợ/doanh thu của tập đoàn hiện đã tăng hơn 10 lần so với mức 0 của năm 2012. Tập đoàn này đã phát hành số trái phiếu trị giá 130 triệu baht kể từ tháng 11/2013 nhằm huy động vốn để mua lại hãng bán buôn Siam Makro.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế trung bình tại Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam lại giảm xuống dưới 5% trong năm 2013 từ 8,5% của năm 2010, buộc các doanh nghiệp phải đi vay vốn để tiếp tục đầu tư.

Với điều kiện cho vay thuận lợi, các doanh nghiệp Đông Nam Á đang tăng cường vay vốn để đầu tư vào hoạt động mua lại và sáp nhập, mở rộng mạng lưới hoạt động ra ngoài khu vực. Hoạt động sáp nhập của khu vực ASEAN đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua.

Tuần trước, cơ quan xếp hạng tín dụng S&P vừa công bố báo cáo cho thấy, với mức nợ ngày càng tăng mạnh, các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu blue-chip (là những công ty danh tiếng với các khoản thu nhập ổn định và không bị nợ đọng vượt quá khả năng chi trả) tại thị trường ASEAN càng dễ bị tổn thương khi lãi suất bắt đầu tăng. Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải trả nhiều hơn cho chủ nợ.

Trưởng phòng hợp tác kinh tế tại Ngân hàng Phát triển châu Á Iwan Azis nhận định, bất kỳ khoản vay nợ nào cũng đều có rủi ro, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại hối nếu số nợ đó là ngoại tệ. Nếu chủ trương bình thường hóa chính sách của các nước tiên tiến dẫn tới việc tăng lãi suất và thắt chặt điều kiện thị trường, một số doanh nghiệp lớn đang mắc nợ ngoại tệ có thể sẽ gặp phải nhiều khó khăn về tài chính.

Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tổng nợ của các doanh nghiệp phi tài chính đã tăng lên tương đương 20% GDP tại Indonesia và 52% GDP tại Thái Lan. Trong khi đó, Malaysia có tỷ lệ nợ/GDP cao nhất khu vực ASEAN với 135%.

BIS nhận định, mức nợ của khu vực này vẫn thấp nhưng đang có xu hướng tăng mạnh với chỉ số thể hiện mức nợ trong lĩnh vực tư nhân tăng 181% tại Indonesia, 60% tại Singapore và 52% tại Thái Lan kể từ quý I/2010.

Chuyên gia Xavier Jean tại S&P cho biết, các doanh nghiệp lớn đã niêm yết thường vay nợ nhanh hơn những công ty tư nhân, một phần nhờ được hưởng chi phí huy động vốn thấp hơn trong 5 năm qua.

Tuy nhiên so với Trung Quốc hay Ấn Độ, các doanh nghiệp Đông Nam Á đã niêm yết trên sàn vẫn có khả năng xoay sở được với mức nợ hiện tại. Nợ doanh nghiệp không phải là vấn đề đáng lo ngại lớn nhất của các nước ASEAN, theo nhận định của một số chuyên gia.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét