Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

(HQ Online)- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi kiến nghị đến Bộ Tư pháp đề nghị sửa Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, có hiệu lực thi hành từ ngày 20-6-2014, do đã bộc lộ nhiều bất cập và tạm dừng xây dựng thông tư hướng dẫn nghị định này.


Nghị định về nuôi, chế biến, XK cá tra có hiệu lực từ 20-6-2014 nhưng đã gặp nhiều vướng mắc. Ảnh internet.

Lo ngại quy định phát sinh vướng mắc

Theo VCCI, quy định về đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra đang là cơ chế gây tranh cãi nhất hiện nay của Nghị định 36. VCCI dẫn lời của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp lo ngại rằng những quy định về đăng ký xuất khẩu cá tra sẽ khiến hàng hóa của họ không thể xuất khẩu do các vướng mắc có thể phát sinh khi đăng ký xuất khẩu.

Theo Nghị định 36, một trong hai điều kiện để thương nhân được xuất khẩu cá tra là thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Cá tra. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, trong thực tế kinh doanh, các doanh nghiệp ký với phía đối tác rất nhiều loại hợp đồng như hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng theo năm, hợp đồng lô hàng... Hiện nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể loại hợp đồng phải đăng ký nên quy định này có thể gây ra những vướng mắc phát sinh khi thực hiện.

Ngoài ra, số lượng hợp đồng xuất khẩu là rất nhiều, mỗi hợp đồng đăng ký còn kèm theo nhiều giấy tờ liên quan. Trong khi đó đơn vị được giao nhiệm vụ đăng ký lại chưa có bất kỳ kinh nghiệm gì về thủ tục này. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ chậm giải quyết hồ sơ, cuối cùng làm chậm việc giao hàng của doanh nghiệp.

“Việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu có thể làm lộ một số bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là về đối tác, giá xuất khẩu. Về tính khách quan, trong thành viên lãnh đạo của Hiệp hội Cá tra có sự tham gia của một số doanh nghiệp. Do đó, nhiều doanh nghiệp khác lo ngại nguy cơ phân biệt đối xử giữa các thành viên trong quá trình triển khai việc đăng ký xuất khẩu của Hiệp hội này”- văn bản của VCCI viết.

Ngoài ra, theo thông tin từ VASEP, với thông lệ ký và thực hiện hợp đồng cá tra như hiện nay, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu sẽ không giúp ích gì nhiều cho mục tiêu kiểm soát nguồn cung cá tra để không thả nuôi thừa/thiếu. Lý do là khác với nhiều ngành sản xuất khác, các doanh nghiệp và cơ sở cung cấp cá tra không đợi tới lúc có hợp đồng chính xác về số lượng mới tiến hành thả nuôi, rất nhiều hợp đồng được ký giao ngay bởi doanh nghiệp đã trữ sẵn hàng trong kho hoặc giao sau một thời gian rất ngắn (doanh nghiệp mua/sử dụng ngay số cá tại ao để chế biến luôn).

Với cách thức như vậy, doanh nghiệp/cơ sở nuôi luôn tiến hành thả nuôi khi chưa có hợp đồng xuất khẩu. Và do đó đăng ký hợp đồng xuất khẩu sẽ không đảm bảo được là doanh nghiệp và các cơ sở nuôi sẽ không thả nuôi vượt quá/dưới mức nhu cầu thực tế.

Quy định tỷ lệ mạ băng là không cần thiết

Liên quan đến quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm cụ thể, Nghị định quy định cứng về tỷ lệ mạ băng tối đa (10%) và hàm lượng nước tối đa (83%) là không phù hợp, bởi vấn đề hàm ẩm và tỷ lệ mạ băng chỉ là vấn đề về chất lượng sản phẩm, không phải là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

VCCI cho rằng việc quy định tiêu chuẩn cho một vấn đề mà vốn thuộc về quyền tự do thỏa thuận, không ảnh hưởng tới việc cá tra được phép hay không được phép nhập khẩu vào một thị trường nhất định là không cần thiết, can thiệp quá sâu vào quyền tự do ký kết hợp đồng của doanh nghiệp

Nếu doanh nghiệp không đảm bảo tỷ lệ hàm ẩm hay mạ băng như thỏa thuận trong hợp đồng với khách hàng thì đây là vấn đề thuộc tranh chấp thương mại thông thường về chất lượng sản phẩm, cần được giải quyết theo các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thông thường. Nhà nước không cần can thiệp vào vấn đề này.

Ngay cả khi vấn đề tỷ lệ tối đa về mạ băng và hàm ẩm trở thành các tiêu chuẩn bắt buộc ở một thị trường xuất khẩu nào đó thì việc quy định cứng về tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm tại pháp luật Việt Nam cũng là không cần thiết bởi các thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam ngày càng đa dạng, mỗi thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng hàng hóa khác nhau. Có những thị trường như EU, Mỹ yêu cầu cao, nhưng cũng có những thị trường không đòi hỏi quá cao như khu vực Mỹ Latin, Đông Âu, Châu Á…

Do đó, việc quy định một mức chất lượng hàng hóa cứng nhắc như trong Nghị định 36 là điều bất hợp lý. Việc này có thể sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên vào khiến sản phẩm của Việt Nam khó tiếp cận với các thị trường dễ tính. Nếu là vì mục tiêu đảm bảo một chuẩn tối thiểu về chất lượng (tương tự như vấn đề về tiêu chuẩn VietGAP đối với cơ sở nuôi cá tra) thì đó phải là chuẩn thấp, chứ không thể là một chuẩn cao như trong Nghị định.

Với những phân tích như trên, VCCI đề xuất trong khoảng thời gian từ nay tới hết 2014- thời điểm mà quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm có hiệu lực, cơ quan soạn thảo Nghị định 36 cùng các cơ quan liên quan tiến hành sửa lại Nghị định.

Ngoài ra, VCCI đề xuất tạm dừng việc soạn thảo thông tư hướng dẫn nghị định, ít nhất là về những quy định còn bất cập nêu trên, chờ nghị định được sửa rồi mới tiếp tục soạn thảo thông tư.

Trường hợp vẫn cần thiết phải soạn thảo thông tư để hướng dẫn chi tiết các nội dung khác đã có hiệu lực từ 20-6-2014 của Nghị định, VCCI đề nghị đưa các nội dung trên ra khỏi dự thảo thông tư. Sau khi Nghi định sửa về các vấn đề này thì sẽ dự thảo một thông tư khác chỉ hướng dẫn về các vấn đề này.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét