Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

(Chinhphu.vn) - Hoạt động tín dụng đang hình thành xu hướng giảm dần cho vay dựa trên tài sản thế chấp hiện nay và chuyển sang cho vay tín chấp là chính.

Trước những khó khăn, thách thức ở trong và ngoài nước, đặc biệt là suy thoái kinh tế kéo dài trên phạm vi toàn cầu, ngay từ ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Để triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP, nhiều văn bản đã được ban hành nhằm thúc đẩy các hoạt động KTXH. Trong đó, tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng. Vì thế, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ đều có điểm chung là yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất và mở rộng tín dụng. Tuy nhiên, khác với những năm trước, các biện pháp thúc đẩy tín dụng được xác định cụ thể và ngày càng quyết liệt hơn.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 14/NQ-CP, Chính phủ đã chỉ đạo chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trần lãi suất đối với chương trình tín dụng này được NHNN quy định là 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 10%/năm và 10,5%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn.

Tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, Chính phủ quy định chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tới 70-95% tổng giá trị đầu tư, thời hạn cho vay sẽ kéo dài trong 11 năm, nhưng khách hàng vay vốn chỉ phải trả lãi suất 1-3%/năm, phần còn lại do Ngân sách Nhà nước cấp bù.

Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động tiếp cận các doanh nghiệp để tư vấn cho vay các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; khuyến khích các TCTD áp dụng các hình thức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để tăng cường khả năng cho vay tín chấp, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây…

Thực tế những năm gần đây, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhanh theo xu hướng lạm phát. Lãi suất cho vay bình quân hiện đang ở mức trên dưới 10%/năm và có thể giảm thêm do lạm phát được dự báo tiếp tục ổn định ở mức thấp khi Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước và các TCTD phải tìm mọi cách để đẩy mạnh cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN. Lãi suất cho vay giảm có tác động tích cực, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí và nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn và nhu cầu tiêu thụ yếu ớt, nhiều doanh nghiệp chưa thể hoạt động trở lại, khu vực DNNN đang phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và không thể vay vốn một cách lãng phí như trước đây, nên tăng trưởng tín dụng vẫn là thách thức lớn đối với các TCTD.

Để mở rộng tín dụng trong điều kiện khó khăn hiện nay, các TCTD phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro, nhất là trong việc thẩm định hồ sơ tín dụng và giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay; tăng cường thu thập và sử dụng thông tin về khách hàng từ cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương, nhưng chủ yếu là từ các công ty xếp hạng tín nhiệm. Lãi suất giảm dần có thể là cơ hội để một vài nhà đầu tư trục lợi, nhưng để làm tăng thêm mối quan hệ thân thiện giữa các doanh nghiệp với TCTD, nhiều doanh nghiệp sẽ sẵn sàng hợp tác trong việc cung cấp thông tin trung thực để nâng cao uy tín và khả năng tiếp cận tín dụng giá rẻ, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo hiệu quả và an toàn tín dụng.

Những dấu hiệu trên đang tạo ra xu hướng giảm dần cho vay dựa trên tài sản thế chấp hiện nay và chuyển sang cho vay tín chấp là chính, nhưng quá trình chuyển đổi này đòi hỏi phải có thời gian và sự hỗ trợ, phối hợp của cả hệ thống chính trị. Trong đó, sự hỗ trợ lãi suất từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cần tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, cho đến khi hoạt động kinh tế ổn định bền vững và tỉ lệ nợ xấu giảm về mức an toàn theo thông lệ quốc tế.

Vào thời điểm này, khi các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình hoạt động để giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan quản lý là cần thiết và có tầm quan trọng đặc biệt. Bên cạnh việc hỗ trợ bù lãi suất, cần có biện pháp duy trì ổn định giá cả những mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý, có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường mới và nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế, quyết liệt cải cách khu vực kinh tế nhà nước nhằm xây dựng môi trường pháp lý bình đẳng cho mọi doanh nghiệp thuộc những thành phần kinh tế khác nhau. Về lâu dài, cần nghiên cứu, điều chỉnh lại chiến lược phát triển KTXH trong tình hình mới, khi thế giới đang đứng trước vô vàn rủi ro khó lường.

Xuân Thanh


0 nhận xét:

Đăng nhận xét